Năm 2023, kinh tế – xã hội huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đạt nhiều kết quả quan trọng. Đó là sự đồng hành, chung sức, vai trò nòng cốt của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, khai thác tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế, đóng góp tích cực cho chính sách an sinh xã hội.
Trong sản xuất nông nghiệp, Chợ Mới đã mời gọi được một số DN lớn kết nối tiêu thụ nông sản, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần XNK An Giang (Angimex), Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công ty TNHH XNK Sunrice và Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, liên kết tiêu thụ lúa, bắp non và đậu nành rau, xoài… hơn 7.000ha cho nông dân. Đặc biệt, với Công ty Antesco đã liên kết tiêu thụ hơn 6.000ha bắp non và đậu nành rau.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Huy Cường chia sẻ: “Năm 2023 khó khăn cho các DN, nhưng với sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, các ban ngành và sự đồng thuận cao của nông dân, Antesco đã đạt được nhiều kết quả. Phát triển vùng nguyên liệu 4.000ha bắp non, với tổng sản lượng 5.900 tấn, 35ha đậu nành rau với tổng sản lượng 300 tấn; đã thu mua cho bà con nông dân 556 tấn xoài hạt lép. Nhà máy Mỹ An đã giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương, với thu nhập gần 9 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn đầu tư trên 120 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”.
Chợ Mới hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp
2 tháng đầu năm 2024, Chợ Mới xuất khẩu sang Úc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc 20 tấn xoài tượng da xanh và xoài hạt lép. Đồng thời, ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác liên kết tiêu thụ 500 tấn xoài hạt lép và cung ứng vật tư đầu vào trả tiền cuối vụ cho thành viên hợp tác xã. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã GAP Cù lao Giêng Nguyễn Minh Hiền cho biết: “Được tỉnh và huyện hỗ trợ chuyển đổi tư duy của người dân về kinh tế tập thể. Nhờ đó, hợp tác xã có cơ hội xuất khẩu xoài sang thị trường khó tính”.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chợ Mới Dương Mai Thanh Sơn, huyện hiện có trên 420 DN đang hoạt động, với gần 2.600 lao động và gần 18.770 cơ sở kinh tế phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với gần 34.600 lao động. Chính quyền địa phương cùng DN vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp dựa trên phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng, sản phẩm lợi thế, chủ lực mang thương hiệu ở địa phương. Đến nay, huyện có 8 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), gồm: 6 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao.
Tháng 12/2023, sản phẩm trà Kim ngân hoa của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Nguyên đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu ĐBSCL năm 2023, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm Chợ Mới trong vùng.
Ông Lê Thái Thanh (Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên) chia sẻ: “Nhờ sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền đã tạo động lực để DN vươn lên, từng bước cải tiến và đang trên đà phục hồi”. BS Nguyễn Ngọc Khuyên (Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Diệp Quang) chia sẻ: “Sau khi được công nhận sản phẩm “Trà rau đắng” đạt OCOP 3 sao; được tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, đây là động lực để DN ngày càng hoàn thiện sản phẩm”.
Công tác hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ công nghiệp trong và ngoài tỉnh được huyện quan tâm. Từ đó, các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu được người tiêu dùng cả nước biết đến. Điển hình như các sản phẩm mộc chạm trổ Long Điền A; tranh kiếng Long Điền B…
Đặc biệt, bánh hạnh nhân, bánh kẹp Tiến Anh do Công ty TNHH SX – TM Tiến Anh sản xuất, năm 2015 và năm 2019 là sản phẩm duy nhất của tỉnh đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; từ năm 2021, bánh hạnh nhân Tiến Anh đã đạt OCOP 4 sao.
Giám đốc Công ty TNHH MTV SX – TM Tiến Anh Trần Lê Hùng chia sẻ: “Gần 30 năm qua, “bí quyết” để làm nên thương hiệu bánh hạnh nhân Tiến Anh là lấy chất lượng để chinh phục khách hàng. Lắng nghe và tùy theo thị trường, khẩu vị khách hàng mà tăng, giảm nguyên phụ liệu, làm mới hình thức. Vì thế, bánh hạnh nhân Tiến Anh được tiêu thụ khắp ĐBSCL, miền Trung và Tây Nguyên”.
Chợ Mới còn phát huy thế mạnh 13 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp truyền thống; tạo điều kiện để các cơ sở, DN xây dựng nhãn hiệu, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ về chính sách khuyến công…
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng chia sẻ: “Chợ Mới đã đón nhiều nhà đầu tư, DN đến khảo sát và thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, triển khai thực hiện 17 dự án kêu gọi đầu tư, đã đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart cuối năm 2023. Nhiều công trình trọng điểm của huyện đã được khởi công, như: Dự án đường kênh Long Điền A – B; nâng cấp, mở rộng tuyến đường vòng 3 xã cù lao Giêng… và 6 dự án nhà đầu tư quan tâm, khảo sát.
“Địa phương cam kết luôn sát cánh cùng DN. Yêu cầu các cơ quan, ban, ngành huyện kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các DN nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tiếp sức cùng địa phương chăm lo an sinh xã hội” – Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng nhấn mạnh.
HẠNH CHÂU
Nguồn Báo An Giang