Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến liên kết, tiêu thụ cây ăn trái, cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ngành quan tâm tăng cường mối liên kết doanh nghiệp (DN) tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, để sản xuất ổn định, tăng giá trị nông sản và đảm bảo đầu ra ổn định cho cây ăn trái.
Diện tích lớn
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Thanh Hiệp cho biết: “Hiện, diện tích cây ăn trái trên toàn tỉnh 19.700ha, chiếm 90,54% diện tích cây lâu năm, tăng 155ha so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, diện tích một số loại cây ăn trái chủ lực, như: Xoài 12.303ha, chuối 656ha, nhãn 522ha, sầu riêng 598ha, mít 1.900ha, cây có múi 1.583ha. Tổng sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt 350.000 tấn. Xoài keo có diện tích lớn thứ 3, tập trung ở huyện An Phú và TX. Tân Châu. Ước sản lượng khoảng hơn 22.400 tấn/năm”.
Công ty Antesco chế biến xoài xuất khẩu
Đến nay, toàn tỉnh cấp 468 mã số, với tổng diện tích vùng trồng hơn 18.367ha. Trong đó, lúa 160 mã số, với diện tích 9.493ha; cây ăn trái 300 mã số, với diện tích hơn 8.821ha; rau màu 7 mã số, với diện tích 52ha và 1 mã số cây dược liệu (cây chúc) với diện tích 1ha.
Tiêu thụ tốt
Thời gian qua, tỉnh có 12 DN có kế hoạch liên kết và tiêu thụ với diện tích 1.585ha, đạt 9,2% diện tích cho trái. Các DN triển khai ký hợp đồng liên kết với diện tích 1.714ha, đạt 108,11% kế hoạch, trong đó Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) 200ha (31,25% diện tích kế hoạch). Hiện nay, các công ty thu mua được 829ha, đạt 48,38% so diện tích thực hiện, trong đó Công ty Antesco thu mua được 96ha (48% diện tích ký kết).
Mùa chính vụ, vụ đông xuân 2023 – 2024, Công ty Antesco liên kết Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh An Khánh (huyện An Phú) và nông dân các huyện sản xuất, tiêu thụ xoài keo, xoài cát chu, hòa lộc và xoài tượng xanh, xoài hạt lép trên diện tích 1.160ha, sản lượng đạt 29.000 tấn (trong đó huyện An Phú 5.000 tấn, còn lại ở các vùng khác), sản lượng vượt kế hoạch 4.000 tấn. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP 180ha ở xã Khánh An và Phú Hữu (huyện An Phú).
Công ty Antesco liên kết HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh An Khánh tạo vùng nguyên liệu xoài keo phục vụ chế biến. Qua đó, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xoài theo chuỗi giá trị, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường có lợi thế cạnh tranh cao thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Xoài xuất khẩu
Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh cho biết, mùa trái vụ năm 2024, từ nay đến cuối năm, Công ty Antesco tiếp tục liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ 300ha xoài ở huyện An Phú, TX. Tân Châu và địa bàn khác, sản lượng khoảng 7.500 tấn.
“Hiện, Công ty Antesco xuất khẩu xoài đông lạnh số 1 thế giới, với tổng sản lượng tiêu thụ 29.000 tấn. Công ty tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nông dân với diện tích lớn, giá cả ổn định hơn, để nông dân yên tâm sản xuất. Qua đó, góp phần nâng tầm vị trí, giá trị xoài keo của An Giang trên thị trường thế giới” – Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.
Hình thành các vùng chuyên canh
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, để phát triển vùng cây ăn trái, từ năm 2018, UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó, nhóm cây ăn quả chủ lực của tỉnh có 4 nhóm cây chính, gồm: Xoài, chuối (chủ yếu chuối cấy mô), nhãn, cây có múi. Đến nay, tỉnh hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái và cây xoài, với các giống xoài chủ lực, gồm: Tượng xanh, cát Hòa Lộc, xoài keo. Đồng thời, cũng có diện tích chứng nhận VietGAP, nên việc xây dựng để thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng nhanh và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT An Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái. Qua đó, hình thành các HTX, tổ hợp tác, hội làm vườn sản xuất trái cây, như: HTX GAP Cù Lao Giêng, HTX Trái cây GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới), chủ yếu sản xuất xoài tượng xanh, xoài hạt lép; HTX Nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú) sản xuất xoài keo.
Giải pháp sản xuất hiệu quả
Bên cạnh kết quả đạt được, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái còn khó khăn, hạn chế, như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc thực hiện liên kết với DN gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu.
Công tác dự báo thị trường về sản phẩm và thị hiếu thị trường tiêu thụ của nước nhập khẩu ngành hàng trái cây chưa được đẩy mạnh. Các thương lái, đơn vị thu mua, DN, các kho chứa đa phần nằm ngoài tỉnh, việc di chuyển lưu thông mất nhiều thời gian, nên ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Kế hoạch chuyển đổi sản xuất giai đoạn 2021 – 2025 trong vụ hè thu 2024 tỉnh thêm khoảng 1.226ha cây ăn trái; chủ yếu là xoài, mít, chuối, cây có múi, nhãn, sầu riêng. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ cây ăn trái theo quyết định của UBND tỉnh An Giang. Đặc biệt, quan tâm xúc tiến tiêu thụ xoài từ việc hình thành HTX có sự gắn kết của công ty. Tiếp tục mời gọi các DN liên kết và xây dựng vùng chuyên canh gắn với DN.
“Sở NN&PTNT An Giang luôn quan tâm tạo điều kiện để DN thực hiện liên kết. Mong rằng thường xuyên có trao đổi về kế hoạch sản xuất, định hướng của công ty, DN để việc phối hợp địa phương triển khai sản xuất gắn với DN hiệu quả trong thời gian tới” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Hiệp kỳ vọng.
HẠNH CHÂU
Nguồn báo An Giang